Startup công nghệ #1: Momo
Chắc hẳn cái tên Momo không còn xa lạ gì với các bạn trẻ ngày nay. Được vinh danh là một trong “Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ Thông tin Việt Nam 2020”, có thể nói Momo là một trong những công ty startup về công nghệ nổi bất nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tài chính – fintech. Nhờ có sự xuất hiện của ví điện tử Momo mà người dùng có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ tài chính, thanh toán online mọi lúc, mọi nơi với chi phí rất thấp.
Startup công nghệ #2: Topica
Topica là một trong những dự án áp dụng công nghệ vào giáo dục được đánh giá cao nhất hiện nay. Dẫn đầu trong công nghệ E-learning, hiện nay Topica đã có mặt ở hơn 6 quốc gia khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm nổi bật như Topica Native, Topica Founder Institute, Edumall,… Nhờ có những ứng dụng giáo dục này mà bất kì ai cũng có thể tự trang bị cho mình thêm kiến thức mà không lo ảnh hưởng đến công việc hay gia đình.
Startup công nghệ #3: Elsa Speak
Ngoài Topica, Elsa Speak cũng là một startup về công nghệ có tiếng chuyên về mảng giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực tiếng Anh. Điểm đặc biệt của Elsa Speak chính là sử dụng nền tảng công nghệ AI. Mục đích là để mang đến những trải nghiệm tốt nhất trong quá trình học tiếng Anh. Bên cạnh đó, Elsa Speak còn có công nghệ nhận dạng giọng nói tiên tiến, giúp người dùng luyện phát âm chuẩn hơn.
Startup công nghệ #4: Sendo
Nhắc đến Sendo là nhắc đến một đế chế thương mại điện tử (TMĐT) thuần Việt lớn nhất hiện nay. Tuy vẫn còn hơi yếu thế so với những đối thủ nặng ký như Lazada và Shopee, nhưng Sendo đã và đang khẳng định vị thế của mình trong thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Sendo cũng đang dần phát triển các công nghệ mới về dữ liệu lớn (Big Data), AI để giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm, lựa chọn và so sánh giá cả nhanh hơn.
Startup công nghệ #5: bTaskee
Đạt giải nhất trong cuộc thi trình bày về dự án khởi nghiệp “SURF PITCHING 2017”, bTaskee là công ty startup khá hot trong những năm trở lại đây. Là dịch vụ giúp dọn dẹp nhà cửa theo yêu cầu, bTaskee không chỉ giúp người dùng tiết kiệm thời gian dọn dẹp mà còn tạo thêm việc làm cho hàng ngàn người Việt. Dự án startup này hứa hẹn sẽ xóa bỏ khoảng cách giữa người giúp việc và chủ nhà trong tương lai.
Startup công nghệ #6: Got It AI
Got It AI là một trong những startup công nghệ hiếm hoi của người Việt có trụ sở chính tại thung lũng Silicon Valley. Đúng như tên gọi của mình, mục tiêu của Got It AI chính là cung cấp các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp hàng triệu người dùng toàn cầu tăng hiệu suất làm việc với chi phí thấp nhất. Cuối năm 2019, theo công bố của Đại học Yale (Mỹ), công nghệ BERTRAND + GNN của Got It đã giành vị trí #4 toàn cầu trong việc dùng AI để chuyển đổi từ ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language) sang câu truy vấn SQL).
Startup công nghệ #7: Pops Worldwide
Pops Worldwide là một dự án startup đi đầu trong lĩnh vực giải trí kỹ thuật số. Dù khởi đầu chỉ là một đơn vị cung cấp nhạc trực tuyến, Pops Worldwide đã dần mở rộng và phát triển các nội dung giải trí thành một hệ thống đa nền tảng. Giờ đây, dự án này đã sở hữu một kho tàng nội dung video địa phương và quốc tế độc quyền, thu hút hàng tỉ lượt xem mỗi tháng.
Startup công nghệ #8: EKID Studio Group
Có thể bạn chưa biết, EKID Studio Group là startup về công nghệ đã giành giải nhất ở cuộc thi khởi nghiệp “HATCH! BATTLE 2016”. Sản phẩm của EKID chủ yếu hướng đến những món đồ chơi, ứng dụng và giáo cụ ứng dụng công nghệ thực tế ảo AR (Augmented Reality). Khi sử dụng các sản phẩm này, trẻ nhỏ có thể phát triển tư duy và sáng tạo từ khi còn nhỏ. Một ưu điểm của EKID chính là trẻ không cần phải dùng kính AR khi sử dụng, đảm bảo an toàn thị lực cho trẻ nhỏ.
Với những dự án trên đây, chắc bạn đã thấy ngành công nghệ hiện nay ở Việt Nam thực sự có rất nhiều tiềm năng và phát triển đúng không nào? Hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về startup công nghệ ở Việt Nam!