Nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo tuyển sinh, đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn ngay trong mùa tuyển sinh năm nay.
Tuy nhiên, thiếu đội ngũ chuyên gia, giảng viên có trình độ đang là một trong những thách thức của nhiều đơn vị. Chủ động nguồn lựcNăm 2024, Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) mở 2 chuyên ngành liên quan tới lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, gồm: Thiết kế vi mạch bán dẫn (nằm trong ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông) và ngành Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói. PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng cho hay, nhà trường đã chuẩn bị đội ngũ giảng viên, nhân sự để tham gia giảng dạy chuyên ngành này. Theo đó, trường tuyển dụng giảng viên cơ hữu (cả người nước ngoài và Việt Nam) có trình độ và kinh nghiệm thực tế về thiết kế, kiểm thử, sản xuất, đóng gói vi mạch được đào tạo từ các nước phát triển; đội ngũ chuyên gia quốc tế, đặc biệt Việt kiều có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực vi mạch; chuyên gia đang làm việc tại các công ty liên quan đến bán dẫn ở Việt Nam dưới dạng hợp đồng thỉnh giảng và hướng dẫn thực hành. Từ năm học 2024 – 2025, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội triển khai chương trình đào tạo Công nghệ Vi mạch bán dẫn, PGS.TS Nguyễn Văn Quỳnh – đồng Trưởng khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano thông tin. Đội ngũ tham gia đào tạo chương trình là các giáo sư, giảng viên, chuyên gia người Pháp. Ngoài ra, còn có giảng viên đến từ cơ sở giáo dục đại học như: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Điện lực… Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quỳnh, để tuyển dụng được giảng viên phù hợp ngành đào tạo cần có thời gian. Về lâu dài, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội có kế hoạch tuyển dụng giảng viên trình độ tiến sĩ về thiết kế vi mạch, bán dẫn; đồng thời, dự kiến gửi thạc sĩ trẻ đi nước ngoài đào tạo chuyên môn về vi mạch, điện tử…
Cần cơ chế phù hợpTừ thực tế, GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận thấy, thách thức mà một số cơ sở đào tạo phải đối diện là thiếu đội ngũ chuyên gia, giảng viên giỏi ở lĩnh vực này. Do đó, cần hợp lực giữa các trường trong quá trình đào tạo nhằm đạt mục tiêu từ nay đến năm 2030 có 50 nghìn người đạt trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Ngoài chính sách thu hút sinh viên theo học lĩnh vực này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình – Hiệu trưởng Trường ĐH CMC (Hà Nội) đề xuất, có cơ chế, chính sách tương xứng khi mời giảng viên, chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo. Muốn vậy, các trường cần kiến nghị chính sách ưu đãi thu hút giảng viên, chuyên gia và người học. Ngoài ra, xây dựng đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực này. PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình gợi mở, chúng ta có thể tham khảo hoặc vận dụng Đề án 322 ngày 19/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước; Đề án 89 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030. Viện dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) cho hay, chỉ riêng lĩnh vực chip bán dẫn, dự báo nước ta cần đào tạo khoảng 50 nghìn đến 100 nghìn nhân lực giai đoạn 2025 – 2030. “Hiện, chúng ta có gì hay mới chỉ bắt đầu?”, ông Trần Văn Khải đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, dù thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng nhà xưởng sẵn sàng thế nào, nhưng chưa có “ổ lót” là lao động chất lượng cao, chuyên sâu chuyển đổi và năng suất lao động được cải thiện thì làm sao “đại bàng công nghệ” có thể hạ cánh và “đẻ trứng vàng”… Vì vậy, cần có chính sách đột phá, khắc phục tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước mắt, cần có đội ngũ chuyên gia, giảng viên đạt trình độ để tham gia vào quá trình đào tạo. Muốn vậy, cần có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ này (kể cả chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam được đào tạo bài bản, chuyên sâu ở nước ngoài). Các cơ sở giáo dục đại học cần đề xuất chính sách ưu đãi thu hút, đào tạo giảng viên, chuyên gia và người học, là gợi ý của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp trực tuyến về đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn hồi đầu tháng 3/2024. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm… Thứ trưởng gợi mở, cần chú trọng đào tạo theo hướng “Rộng – Sâu – Cao”; trong đó tập trung vào yếu tố “Sâu và Cao”; tức là nhân lực có trình độ cao và chuyên sâu. Ngoài ra, chúng ta cần tranh thủ ủng hộ của các nước, người Việt Nam ở nước ngoài và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, doanh nghiệp. Nhấn mạnh 6 nhóm vấn đề cần hành động trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị: Đẩy mạnh cơ chế hợp tác, liên minh, chia sẻ; tọa đàm về mô hình, chương trình đào tạo; chuẩn bị kỹ xây dựng đề án, thiết kế dự án phòng thí nghiệm; xúc tiến đẩy mạnh hợp tác quốc tế; các trường đề xuất cơ chế chính sách đột phá, huy động tối đa nguồn lực; đẩy mạnh truyền thông. Mới đây, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ký kết Biên bản Hợp tác liên minh; trong đó có nội dung: Thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong cơ sở giáo dục đại học. |