Người lao động tố “bất ngờ bị sa thải”
Theo ông N.V.Đ (trú tại phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh), người khởi kiện TFR, vào ngày 1/9/2009 ông và TFR (trước đây là Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Lâm Đồng) có ký hợp đồng lao động thời hạn 3 năm với mức lương chính là 19.850.000 đồng/tháng. Ngày 16/7/2012 ông N.V.Đ được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành TFA.
Đến ngày 21/8/2012, hai bên tiếp tục ký Hợp đồng lao động số HĐLĐ/TFR.01090901.1 với mức lương chính thức là 107.000.000 đồng/tháng. Sau đó, hàng năm hai bên đều ký phụ lục hợp đồng về việc tăng lương cho ông. Đến ngày 21/12/2018 ông và TFR ký phụ lục hợp đồng lao động số PL/HĐLĐ/TFR.01090901.1.8 thay đổi, bổ sung mức lương chính từ 107.000.000 đồng/tháng thành 117.700.000 đồng/tháng.
Theo ông N.V.Đ, ông tiếp tục làm việc cho TFR đến ngày 1/7/2019 thì phía TFR yêu cầu ký phụ lục hợp đồng lao động số PL/HĐLĐ/TFR.01090901.1.9 với thay đổi, bổ sung mức lương chính từ 117.700.000 đồng/tháng tách thành lương căn bản 29.800.000 đồng/tháng và lương hiệu suất kinh doanh 87.900.000 đồng/tháng. Ông không biết TFR làm như vậy để nhằm mục đích gì, nhưng ông vẫn làm việc bình thường và đúng trách nhiệm nên hàng tháng công ty vẫn trả đủ cho ông số tiền lương là 117.700.000 đồng/tháng.
“Tuy nhiên, đến ngày 17/1/2020, TFR bất ngờ ban hành quyết định tạm đình chỉ công việc đối với tôi. Cùng bị tạm đình chỉ công việc còn có L.K.A, Trưởng phòng Kỹ sư nông nghiệp, phụ trách khu vực Long An; T.B.S, Giám sát kỹ sư nông nghiệp, phụ trách khu vực Hậu Giang và N.T.T.T.P, nhân viên thu mua. Thời gian tạm đình chỉ công việc từ ngày 20/1/2020 đến ngày 18/4/2020. Tiếp đó, ngày 17/2/2020, TFR ban hành quyết định đình chỉ mọi chức vụ của tôi và 3 công nhân trên.
Sau đó TFR có gửi thư mời tôi đến họp để xử lý kỷ luật tôi, nhưng tôi từ chối không đến vì tôi thấy việc làm của TFR là không minh bạch, không đúng quy định của pháp luật. Mặt khác tôi đã gửi thư tới Giám đốc TFR yêu cầu dừng ngay tất cả các việc làm mang tính chất phỉ báng, vu khống tôi. Nếu không chấm dứt tôi sẽ nhờ cơ quan pháp luật can thiệp. Từ đó về sau tôi không nhận được phản hồi từ TFR nữa”, ông N.V.Đ cho biết.
Cũng theo ông N.V.Đ, đến ngày 3/6/2020 TFR mời ông đến để bàn giao tài sản, hoàn thành thủ tục thanh lý hợp đồng và nhận sổ bảo hiểm. Lúc này ông mới biết TFR đã ban hành quyết định kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải đối với ông.
Ông N.V.Đ cho rằng, việc TFR lấy lý do ông thông đồng với đối tác, thiếu minh bạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế và uy tín của công ty; thiếu năng lực quản lý, cố tình làm ngơ cho nhiều thuộc cấp sai phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, lợi ích của công ty và thành lập công ty riêng, cùng ngành nghề với TFR trong thời gian đình chỉ công việc để điều tra để kỷ luật sa thải ông nhưng không đưa ra tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Bên cạnh đó, những lý do mà TFR đưa ra để kỷ luật sa thải ông cũng không đúng với quy định tại Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012. Mặt khác, việc ông Phan Thượng Minh, không phải là người đại diện theo pháp luật của TFR nhưng lại ký quyết định kỷ luật sa thải ông cũng không đúng luật.
Bị cho thôi việc vì phản ứng về hoạt động thiếu minh bạch của công ty?
Cụ thể, TFR cho rằng ông bao che cho thuộc cấp làm sai, gây thiệt hại cho công ty nhưng cáo buộc này không có căn cứ nên đã bị Tòa án bác bỏ.
Việc TFR quy kết ông thông đồng với đối tác, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, lợi ích của công ty… nhưng không đưa ra được bất cứ chứng từ, số liệu “hợp pháp” để chứng minh ông gây thiệt hại. Ngược lại, ông đã cung cấp số liệu thực tế (dữ liệu gốc của TFR) chứng minh tại từng vụ việc, từng mốc thời gian ông đều làm có lợi cho công ty với những số liệu lợi nhuận rõ ràng.
Thứ ba, việc ” tạm đình chỉ công việc”, “đình chỉ chức vụ” rồi “sa thải” ông chỉ là hợp thức hóa việc loại bỏ ông ra khỏi công ty.
Ông N.V.Đ cho rằng, ông bị kỷ luật sa thải bắt nguồn từ việc ông phản ứng với ông Siebe Marteen Van Wjik – Giám đốc TFR về hoạt động thiếu minh bạch của TFR như kinh doanh trái luật, chuyển lợi nhuận trái phép…
Công ty The Fruit Republic Cần Thơnói gì?
Theo đơn khởi kiện và khởi kiện bổ sung, ông N.V.Đ đã đề nghị Tòa án giải quyết hủy Quyết định xử lý kỷ luật lao động (về việc sa thải ông số TFR.QDST.12052020.02 ngày 12/5/2020 của TFR). Đồng thời buộc TFR có nghĩa vụ thanh toán cho ông các khoản gồm: tiền lương cho những ngày ông không được làm việc; bồi thường 2 tháng tiền lương do sa thải trái pháp luật; bồi thường 2 tháng tiền lương theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; tiền bồi thường các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nợ lương… với tổng số tiền là hơn 4,5 tỷ đồng
Làm việc tại Tòa án, người đại diện của TFR luôn cho rằng công ty kỷ luật sa thải ông N.V.Đ là đúng. Bởi vì TFR đã tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật lao động Việt Nam. Từ đó yêu cầu Tòa án bác toàn bộ nội dung khởi kiện của ông N.V.Đ.
Theo TFR, về hành vi vi phạm, ông N.V.Đ bị xử lý kỷ luật sa thải theo Nội quy Lao động và Bộ luật Lao động năm 2012. Cụ thể hành vi của ông N.V.Đ được quy định tại vi phạm bị xử lý kỷ luật theo sa thải theo Điều 20.21. và 25.3 Nội quy lao động: “Người lao động có hành động trộm cắp, biển thủ tài sản hoặc tiền bạc của công ty, ăn hối lộ, nhận hoa hồng, kê giá, cố ý vi phạm các điều 17-21 (Bảo vệ tài sản, Bí mật kinh doanh cả công ty, chống tham nhũng) hoặc các hành động khác gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản hoặc lợi ích của Công ty (giá trị thiệt hại, mất mát từ 5.000.000 trở lên”. Ban chấp hành Công đoàn cơ sở (CĐCS) có tham dự các cuộc họp xử lý kỷ luật đối với ông N.V.Đ.
Về lý do áp dụng biện pháp kỷ luật đối với ông N.V.Đ là do ông đã không kê khai mối quan hệ với các nhà cung cấp của công ty/các doanh nghiệp có cùng ngành nghề kinh doanh với công ty để tránh các xung đột về lợi ích kinh tế, vi phạm Nội quy lao động.
Cũng theo TFR, ông N.V.Đ đã lợi dụng danh nghĩa của công ty để tư lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của công ty, vi phạm Điều 20, 21 Nội quy lao động. Ông N.V.Đ còn có hành vi tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng; vi phạm pháp luật doanh nghiệp…