Dự án “Tao nhân tân thế”, do sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khởi xướng là hành trình sáng tạo nhằm đưa những giá trị lịch sử tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến gần hơn với công chúng trẻ thông qua các sản phẩm công nghệ số, các hoạt động trải nghiệm và diễn đàn trao đổi ý nghĩa.
Tên dự án “Tao nhân tân thế” lấy cảm hứng từ hình ảnh “tao nhân mặc khách” – những bậc trí sĩ tài hoa thời xưa, kết hợp với “tân thế” – thế giới mới. Dự án đặt mục tiêu kể lại những câu chuyện xưa bằng tư duy hiện đại, giúp di sản truyền thống không chỉ được gìn giữ mà còn được tiếp nhận một cách mới mẻ, sống động hơn.
Tâm điểm của dự án là buổi tọa đàm “‘Hiền tài là nguyên khí của quốc gia’ trong kỷ nguyên 4.0”, diễn ra vào sáng ngày 11/5 tại Hồ Văn (Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Chương trình thu hút sự quan tâm của hơn 100 bạn trẻ, tạo nên diễn đàn trao đổi sôi nổi giữa người trẻ và các diễn giả.
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” trong kỷ nguyên 4.0.
Tham dự tọa đàm có TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chị Nguyễn Thái Hà – CEO Công ty Cổ phần JOHN HUNT và bạn Nguyễn Thị Khánh Huyền – Hoa khôi Cuộc thi Tài sắc nữ sinh Báo chí 2025 đã cùng chia sẻ góc nhìn đa chiều về vai trò của hiền tài trong xã hội hiện đại. Những câu chuyện về hiền tài trong lịch sử được đối chiếu với thực tế hôm nay, gợi mở cho người trẻ cách phát huy bản lĩnh cá nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời vẫn giữ gìn những giá trị cốt lõi của dân tộc.
Ngoài hoạt động trao đổi chuyên đề, “Tao nhân tân thế” còn giới thiệu 3 sản phẩm truyền thông in ấn kết hợp công nghệ, phản ánh tinh thần kết nối truyền thống và hiện đại.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã cho ra mắt bộ thẻ “Văn Miếu chi ngôn” là tập hợp 9 tấm thẻ thiết kế tinh tế, khắc họa những góc di tích tiêu biểu của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Mỗi thẻ không chỉ in kèm danh ngôn truyền cảm hứng về đạo học, mà còn tích hợp mã QR dẫn tới thông tin về địa danh trên thẻ. Đặc biệt, người dùng còn có thể được nhận một phần quà bí mật từ bộ hình dán “Tao nhân tân thế”, tạo nên trải nghiệm khám phá di sản vừa trực quan, vừa đầy bất ngờ.
Ngoài ra, dự án còn đem đến cho công chúng bộ truyện tranh dân gian AR “Chu Văn An và cậu học trò Thủy thần”, sản phẩm là sự hợp tác giữa dự án “Tao nhân tân thế” và nhóm sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Dựa trên giai thoại dân gian về thầy Chu Văn An và cậu học trò Thủy thần, bộ truyện tái hiện nhân vật lịch sử bằng ngôn ngữ gần gũi, hiện đại. Đặc biệt, công nghệ thực tế tăng cường (AR) cho phép nhân vật “sống dậy” khi dùng thiết bị thông minh quét qua các trang truyện, người đọc có thể xem hoạt cảnh chuyển động kèm âm thanh, mở ra trải nghiệm đa giác quan. Đây là nỗ lực đưa lịch sử bước ra khỏi sách vở, trở nên sinh động và gần gũi hơn với thế hệ trẻ.
Công nghệ AR trong bộ truyện dân gian nhận được nhiều hưởng ứng tích cực từ công chúng.
Cuối cùng là bộ hình dán “Tao nhân tân thế”, gồm 4 concept thiết kế sáng tạo: từ những câu nói trendy mang tinh thần Gen Z đến hình ảnh chibi hóa danh nhân, địa danh và món ăn mang đậm dấu ấn Hà Nội. Mỗi hình dán không chỉ là vật trang trí mà còn là hình thức thể hiện cá tính và tình yêu văn hóa theo cách riêng của người trẻ. Đây là món quà nhỏ mang theo tinh thần lớn – lan tỏa hình ảnh văn hóa dân tộc một cách nhẹ nhàng và dí dỏm.
Các sản phẩm sáng tạo của dự án gồm bộ thẻ, truyện tranh AR và hình dán – kết hợp yếu tố văn hóa truyền thống với công nghệ hiện đại, gần gũi giới trẻ.
Trò chơi “Bảo vật hiền tài” – hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp kết nối công chúng với không gian và giá trị di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Chia sẻ sau sự kiện, bạn Lê Quang Hợp, Trưởng Ban Tổ chức dự án cho biết: “Chúng mình tin rằng di sản không chỉ là thứ để lưu giữ, mà còn là chất liệu sống, cần được tái hiện, kết nối và tiếp nhận bằng những hình thức gần gũi với thế hệ mới. Mục tiêu lớn nhất của dự án là truyền tải thông điệp rằng: người trẻ hoàn toàn có thể bước vào không gian văn hóa dân tộc không với tâm thế thụ động, mà bằng sự sáng tạo, tò mò và trách nhiệm”.
Dự án “Tao nhân tân thế” ngoài là một dự án truyền thông, còn là minh chứng cho tinh thần chủ động, sáng tạo của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đây cũng là lời khẳng định người trẻ hoàn toàn có thể trở thành “hiền tài” của kỷ nguyên mới.
Phương Thảo