Họ thành công, khẳng định sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong các giai đoạn chuyển mình của kinh tế Việt Nam 30 năm qua, ngay cả ở những lĩnh vực tưởng như là lợi thế riêng của phái mạnh…
Tròn 30 năm trước, những “nữ tướng” doanh nhân Việt Nam như Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Mai Thanh đặt dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp. Giai đoạn nối tiếp, Việt Nam có những nữ doanh nhân được thế giới ghi nhận về sức ảnh hưởng như bà Thái Hương, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo…
Sức ảnh hưởng đó có giá trị thúc đẩy ở những lĩnh vực họ hoạt động, cũng như góp phần cùng kinh tế Việt Nam chuyển mình 30 năm qua.
“Nữ tướng” Nguyễn Thị Nga – người truyền cảm hứng
Khi nhắc đến những nữ doanh nhân thành công thế hệ đầu của Việt Nam không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Nga (hay còn được gọi là Madame Nga). Bà Nga cùng chồng thành lập BRG Group từ năm 1993 với ngành nghề ban đầu là kinh doanh xuất nhập khẩu.
Sau 3 thập kỷ dưới sự dẫn dắt của bà Nga, Tập đoàn BRG trở thành một trong những tập đoàn kinh tế, dịch vụ tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam, đầu tư và hoạt động trong nhiều lĩnh vực như tài chính – ngân hàng và sân golf, bất động sản, khách sạn – nghỉ dưỡng… Bà Nga cũng nổi tiếng với các thương vụ M&A, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân và liên doanh.
Ở tuổi 68, bà Nga vẫn đang đảm nhận nhiều vai trò quan trọng như Chủ tịch CTCP Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ, Chủ tịch CTCP Intimex Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH Khách sạn Nhà hát, Phó Chủ tịch CTCP Du lịch Dịch vụ Hà Nội…
Dù chưa từng công bố tổng tài sản nhưng với việc sở hữu lượng lớn cổ phần trong ngành ngân hàng, nhiều sân golf, dự án bất động sản lớn trên khắp cả nước, bà Nga là một trong những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam. Riêng số cổ phần của bà Nga tại SeABank (mã SSB) đã lên tới hơn 2.300 tỷ đồng (hơn 72 triệu cổ phiếu SSB, tương đương tỷ lệ 3,535%).
Ngoài ra, bà Nga cũng là người đại diện sở hữu của Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ đối với gần 86,6 triệu cổ phiếu SSB, tương đương 4,24% vốn điều lệ tại SeABank (tính theo giá cập nhật đến ngày 7/3/2023 số cổ phần này trị giá hơn 2.800 tỷ đồng).
Bà Nga cũng là đại diện sở hữu của CTCP Phát triển TN với 20 triệu cổ phần tại CTCP Du lịch Dịch vụ Hà Nội (tương đương 26,74%, khoảng hơn 790 tỷ đồng) và đại diện cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hòa An với hơn 79,7 triệu cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (khoảng hơn 3.000 tỷ đồng).
Với sức ảnh hưởng lớn trên thương trường, bà Nguyễn Thị Nga từng được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam quyền lực nhất châu Á.
Mới đây, bà Nga được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022”, ghi nhận những thành tích xuất sắc trong điều hành, quản lý doanh nghiệp, có tinh thần dân tộc, đóng góp quan trọng vào các hoạt động xã hội trong suốt thời gian qua.
Trước đó, đầu năm 2023, bà Nguyễn Thị Nga được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Là một người khá kín tiếng với truyền thông nhưng một số phát ngôn của bà Nga vẫn gây ấn tượng mạnh và được xem là truyền cảm hứng cho những nữ doanh nhân thế hệ sau.
“Hãy kiên trì theo đuổi đam mê và khát vọng của mình, không ngừng cống hiến cho sự tiến bộ của cộng đồng và sự phát triển của Tổ quốc. Hãy chinh phục khát vọng bằng cả khối óc và trái tim. Tôi làm được và phụ nữ chúng ta làm được”, bà Nguyễn Thị Nga truyền đi thông điệp này đến hàng ngàn nữ doanh nhân trong khu vực khi được mời phát biểu tại sự kiện trao giải Women of Impact Awards tại Philippines.
Chủ tịch REE Nguyễn Thị Mai Thanh – người phụ nữ tiên phong
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh gia nhập ngành cơ khí từ năm 1982 với vị trí kỹ sư của Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh (TP.HCM). Ba năm sau đó, bà Mai Thanh kế vị chức giám đốc xí nghiệp ở tuổi 33. Năm 1992, bà Mai Thanh đã dẫn dắt Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh thực hiện cổ phần hoá và trở thành một trong những công ty cổ phần đầu tiên có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài.
Năm 1993, việc cổ phần hóa hoàn tất và CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) chính thức được thành lập. Kể từ đó cho đến tháng 8/2020, bà Mai Thanh kiêm nhiệm hai chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Tổng giám đốc của REE. Từ tháng 8/2020 bà Thanh chuyển giao vị trí điều hành cho Phó tổng giám đốc Huỳnh Thanh Hải và chỉ còn giữ chức Chủ tịch HĐQT của REE.
Dưới sự dẫn dắt suốt hơn 30 năm qua của bà Mai Thanh, REE từ một xí nghiệp nhỏ đã trở thành một tập đoàn đa ngành kinh doanh các lĩnh vực cơ điện lạnh, bất động sản văn phòng, hạ tầng điện nước, thủy điện… với giá trị vốn hóa hơn 23.800 tỷ đồng (tính theo thị giá ngày 7/3/2023).
REE cũng được biết đến là công ty của nhiều cái đầu tiên như công ty Việt Nam đầu tiên cổ phần hóa, đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi, đầu tiên áp dụng điều lệ mẫu mới do Bộ Tài chính chỉ định… Năm 2000 khi trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động, REE là 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn.
Kể từ đó cho đến nay doanh thu và lợi nhuận của REE cũng không ngừng tăng lên và hiện là một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh và tăng trưởng hàng đầu trên sàn chứng khoán.
Đặc biệt, năm 2022, REE ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục kể từ khi niêm yết. Theo đó, doanh thu thuần năm 2022 đạt mức 9.372 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.513 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và gần 65% so với thực hiện năm 2021.
Mức lãi sau thuế năm 2022 của REE hiện đã gấp hơn 92 lần lãi ròng năm 2003. Trong cùng khoảng thời gian vốn điều lệ của công ty cũng tăng gần 24 lần từ mức 150 tỷ đồng lên 3.564 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.
Với việc nắm giữ lượng lớn cổ phần tại REE, bà Mai Thanh nhiều năm liền có tên trong danh sách những nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán.
Hiện gia đình bà Mai Thanh hiện sở hữu trực tiếp hơn 20% cổ phần tại REE, là nhóm cổ đông lớn thứ hai sau quỹ Hong Kong Platinum Victory (33,64%). Trong đó, bà Mai Thanh nắm giữ 43,37 triệu cổ phiếu REE (tương đương 12,2% vốn điều lệ với giá trị hơn 2.900 tỷ đồng – tính theo thị giá ngày 7/3/2023).
Chồng bà Mai Thanh – ông Nguyễn Ngọc Hải sở hữu 19,45 triệu cổ phiếu REE (tỷ lệ 5,47%); hai con của bà Mai Thanh – Nguyễn Thái Bình và Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh cũng lần lượt sở hữu gần 6,97 triệu đơn vị (tỷ lệ 1,96%) và 4,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 1,15%).
Ngoài ra, bà Mai Thanh còn là đại diện sở hữu của REE với 71,11 triệu cổ phần tại CTCP Nhiệt điện Phả Lại (tỷ lệ 22,18%) và 3,8 triệu cổ phần tại Tổng Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (tỷ lệ 6,35%).
Với những thành tựu đã đạt được, bà Mai Thanh đã chứng minh nếu có sự quyết tâm và nỗ lực, nữ doanh nhân cũng có thể thành công trong những lĩnh vực vốn được xem là thế mạnh của nam giới như lời mà bà từng chia sẻ “Tôi làm việc như những người đàn ông trong chiến tranh, thậm chí còn hơn thế nữa”, hay “Tôi không quan tâm chuyện mọi người nói về việc tôi giàu như thế nào. Tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao vượt qua những thách thức đang chờ đợi mình phía trước”.
Nữ tỷ phú đầu tiên Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo nổi tiếng với khả năng kinh doanh thiên bẩm từ khi còn rất trẻ. Ngay từ khi còn học năm hai đại học, bà Thảo đã bắt đầu nhập hàng điện tử, máy tính, máy fax, đồng hồ, băng đĩa hay hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông để kinh doanh tại Đông Âu. Bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường đang rất cần như phân bón, sắt thép, thiết bị… Nhờ vậy mà bà kiếm được triệu đô la đầu tiên khi mới 21 tuổi.
Đến năm 24 tuổi, bà Thảo chuyển sang kinh doanh các mặt hàng công nghiệp như thép, máy móc… trước khi đầu tư về Việt Nam chủ yếu ở hai lĩnh vực là tài chính và bất động sản. Và đến khi CTCP Hàng không VietJet – hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được thành lập (được cấp phép hoạt động từ năm 2007), dấu ấn của bà Nguyễn Thị Phương Thảo trên thương trường thực sự đậm nét.
VietJet được thành lập từ 3 cổ đông chính là Tập đoàn T&C, Sovico Holdings và HDBank. Dù có sự kết hợp của 3 doanh nghiệp lớn, nhưng người giữ vị trí điều hành và sở hữu tới 90% cổ phần của VietJet Air là bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo cũng chính là người đề xuất ra đề án thành lập hãng hàng không này.
Dưới sự lãnh đạo của bà Thảo doanh thu, lợi nhuận của VietJet đã liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2013-2018; tuy nhiên từ năm 2019, kết quả kinh doanh của VietJet có dấu hiệu chậm lại và đặc biệt trong hai năm 2020-2021, doanh thu và lợi nhuận của hãng hàng không này sụt giảm nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Năm 2022, ngay khi nền kinh tế mở cửa và đại dịch dần đi qua, doanh thu của VietJet đã bắt đầu vào đà phục hồi và tăng gấp hơn 3 lần năm 2021, đạt khoảng 39.340 tỷ đồng. Mặc dù vậy, hãng bay này vẫn lỗ gộp 2.166 tỷ do giá vốn cả năm khoảng 41.500 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2,8 lần năm trước đó. Kết quả năm 2022, VietJet lỗ ròng hơn 2.171 tỷ đồng, khó khăn bởi COVID-19 vẫn còn níu kéo.
Hiện tại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VietJet. Đồng thời, bà Thảo còn là Phó Chủ tịch thường trực của HDBank, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings và Chủ tịch HĐTV của Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.
Năm 2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Từ đó cho đến nay bà liên tục có tên trong danh sách này và đã bốn lần liên tiếp được tạp chí Forbes bầu chọn vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Tại thời điểm 7/3/2023, Forbes ghi nhận tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo là 2,1 tỷ USD, là người giàu thứ hai tại Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng và xếp vị trí 1.404 trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới.
Dù sở hữu khối tài sản hàng tỷ đô song bà Thảo cho biết chưa bao giờ ngồi tính toán cụ thể xem mình có bao nhiêu tiền. “Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào để công ty phát triển tốt, thu nhập của nhân viên tăng lên và VietJet đóng góp gì cho sự đổi mới, tiềm lực chung”, bà Thảo từng nói trong một cuộc phỏng vấn của Tạp chí Forbes.
“Bông hồng thép” Ninh Thị Bích Thùy
Bà Ninh Thị Bích Thùy được coi là nữ doanh nhân hiếm hoi thành công trong ngành thép. Bà Thùy hiện là Tổng giám đốc CTCP Thép TVP; Chủ tịch Khu Công nghiệp Phúc Long; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An.
Là con thứ trong gia đình có 8 anh chị em, nhận thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi đang học năm thứ nhất đại học (năm 1986), bà Thùy quyết định nghỉ ngang, mượn 5 chỉ vàng tích cóp của mẹ để mở cửa hàng sắt thép.
Thời mới bước vào nghề, bà Thùy chỉ kinh doanh sắt thép nhưng đến năm 1990, nữ doanh nhân này quyết định đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực thép, trở thành nhà phân phối và xuất nhập khẩu nguyên liệu cho các nhà máy cán tôn trên cả nước. Năm 1993, bà thành lập công ty riêng, chuyên phân phối thép.
Sau khi lập gia đình, vợ chồng bà Thùy quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Thép TVP (tiền thân của Thép TVP), hoạt động sản xuất tôn cán sóng và cung cấp tôn cuộn, xà gồ.
Năm 1998, TVP xây dựng nhà máy sản xuất ống thép công suất 30.000 tấn/năm. Và nhà máy ống thép đi vào hoạt động ổn định không những sản phẩm ống thép TVP được chào đón ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các quốc gia lân cận.
Năm 2005, sau khi đã tích lũy được một số vốn bà lại tiếp tục đầu tư dây chuyền mạ màu công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc với công suất 40.000 tấn/năm.
Sau hơn 20 năm hoạt động và sản xuất, TVP trở thành một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành thép với các sản phẩm đa dạng từ tôn mạ màu, tôn mạ kẽm, tôn lạnh, ống thép ra thị trường và xuất khẩu.
Cùng với Hòa Phát, Hoa Sen, Minh Ngọc, hiện ống thép của TVP nằm trong top thứ 4 về sản xuất và cung cấp ống thép tại Việt Nam (thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam). TVP cũng đang chiếm 14% thị phần nội địa ở mảng tôn mạ.
Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm của Thép TVP đã xuất khẩu sang nhiều nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Singapore…