“Thị Mầu xuyên không”: Lan toả tình yêu nghệ thuật truyền thống

“Thị Mầu xuyên không” đem đến cách kể chuyện mới, nhân vật mới kết hợp cùng âm nhạc hiện đại với mong muốn giúp các bạn học sinh tìm hiểu về tinh hoa, hồn cốt của sân khấu truyền thống.

Vở diễn “Thị Mầu xuyên không” nằm trong khuôn khổ sự kiện “Chèo nảy Chèo nay” do nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam và Công ty Cổ phần giáo dục và sáng tạo Edudu tổ chức với hy vọng quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Chèo. Vở diễn thuộc chương trình Sân khấu học đường – Giáo dục di sản được dàn dựng từ kịch bản của đạo diễn Ninh Quang Trường, NSƯT Vũ Bá Dũng đạo diễn sân khấu và Đoàn Thể nghiệm biểu diễn.

Vở chèo “Thị Mầu xuyên không” – tác phẩm được làm mới từ vở chèo kinh điển “Quan Âm Thị Kính” do các diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam thực hiện (Ảnh: BTC)

Vở chèo kể về cô bạn Lucy khi say sưa luyện tập vai Thị Mầu để tham gia cuộc thi Star Got Talent – Tìm kiếm tài năng ở trường. Đây là nguyên cớ để cô bé kết hợp cùng “giáo sư biết tuốt” – Tommy dẫn dắt khán giả xuyên không trở về những tháng năm xưa có chuyện Thị Kính – Thị Mầu, nhờ đó họ được tận mắt chứng kiến những hỉ nộ ái ố xảy ra trong cuộc đời Thị Kính. 

Chia sẻ về 2 nhân vật mới Lucy, Tommy, đạo diễn Ninh Quang Trường cho biết: “Phần thoại của Tommy và Lucy được chúng tôi đưa vào vở diễn nhằm giải đáp các thắc mắc của thế hệ trẻ hiện nay đối với lịch sử xã hội phong kiến. Họ là cầu nối giúp khán giả hiểu hơn về bối cảnh của câu chuyện cũng như tình tiết chính của tác phẩm và quan trọng nhất là giữ chân các bạn học sinh tiếp tục xem vở diễn”.

Màn biểu diễn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả (Ảnh: BTC)

Các đoạn đối thoại bày tỏ suy nghĩ, góc nhìn của người trẻ trước những vấn đề xảy ra ở xã hội phong kiến. Không chỉ là những bất bình trước bao nỗi oan Thị Kính phải mang trong im lặng vì lễ giáo hà khắc, không được cất tiếng nói minh oan cho bản thân mà còn là những nhắc nhở về sự thơ ngây, thuần chất của nàng, ai lại cầm dao cắt sợi râu mọc ngược trên má chồng lúc anh ta ngủ để thành ra “tình ngay, lý gian”…

Giọng điệu của các nhân vật được sử dụng các từ ngữ bắt “trend” đầy hài hước, dễ nghe, dễ hiểu, gần gũi và cuốn hút, đem đến sự bất ngờ và tạo tiếng cười cho khán giả (Ảnh: BTC)

Sau khi vở diễn “ Thị Mầu xuyên không” khép lại, trạm trải nghiệm “Tích tịch tình tang” do đạo diễn Ninh Quang Trường dẫn dắt đã giúp khán giả tìm hiểu cặn kẽ về dàn nhạc của sân khấu Chèo. Ngoài việc trực tiếp thưởng thức những bản nhạc cổ, khán giả nhí còn được trực tiếp trải nghiệm các đạo cụ trong vở diễn. 

Bạn Thu Trang (10 tuổi, Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Em được bố mẹ đưa đến xem vở diễn. Trước đây, em chưa từng xem Chèo nhưng đây là vở diễn rất hay, hài hước, em rất ấn tượng với các nhân vật trên sân khấu. Sau này em mong có cơ hội được xem nhiều vở diễn hay như này”.

Các bạn học sinh được trực tiếp tham gia đánh trống bản trong trạm trải nghiệm “Tích tịch tình tang” (Ảnh: BTC)

Ngọc Quyên

Có thể bạn quan tâm