Tổng quan về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam 2022

Không đi ra ngoài xu hướng chung của thế giới, trong năm 2022, tổng số thương vụ và vốn đầu tư khởi nghiệp của Việt Nam giảm đi một nửa. Tuy vậy, với nhiều điều kiện thuận lợi bên ngoài và tiềm lực nội sinh, nhiều nhà đầu tư vẫn rất tự tin vào tương lai tươi sáng của hệ sinh thái khởi khiệp Việt Nam.
Tổng quan về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam 2022
Tổng quan về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam 2022

Tổng quan hệ sinh thái

Theo Báo cáo Khởi nghiệp Việt Nam 2022 do quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans của Hàn Quốc thực hiện, Việt Nam là một trong những điểm đến hứa hẹn nhất đối với các nhà đầu tư tại thị trường Đông Nam Á.

Vào năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ đô la và đang trên đà đạt xấp xỉ 50 tỷ đô la vào năm 2025. Với bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ, Việt Nam đã và đang trở thành một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Theo trung tâm nghiên cứu hệ sinh thái khởi nghiệp StartupBlink, Việt Nam có đủ đà tăng trưởng để vượt vị trí hiện tại của Thái Lan (xếp thứ 53 trên thế giới và thứ 4 Đông Nam Á) nếu vẫn duy trì được tốc độ phát triển của hệ sinh thái.

Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục là động lực thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong tương lai.

Với quy mô nền kinh tế lớn (đạt 413,8 tỷ USD, đứng thứ 5 ASEAN, thứ 14 châu Á và là nền kinh tế 37 thế giới), hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng ngay cả khi các công ty khởi nghiệp không mở rộng sang thị trường quốc tế.

Vốn đầu tư mạo hiểm rót vào giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Trong giai đoạn từ 2021 đến 2022, tại Việt Nam, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế rót vốn vào giai đoạn đầu của các công ty khởi nghiệp.

Theo khảo sát của Bain, đối với các nhà đầu tư theo đuổi tầm nhìn dài hạn, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất.

Bất chấp tình hình suy thoái kinh tế và sự thận trọng của các quỹ đầu tư trên thế giới ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam.

Theo DealstreetAsia, Việt Nam có 11 quỹ mạo hiểm tập trung đầu tư vào giai đoạn đầu của hoạt động khởi nghiệp, chẳng hạn: AVV, Do Ventures, Nextrans, ThinkZone, Touchstone Partners, VinaCapital Ventures…

Trong đó có 7 quỹ là quỹ ban đầu (maiden fund) và 4 quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào thị trường Việt Nam (Vietnam-focused fund). (“Quỹ ban đầu” là một thuật ngữ được sử dụng trong đầu tư mạo hiểm, dùng để chỉ quỹ đầu tư đầu tiên của công ty đầu tư mạo hiểm.

Quỹ ban đầu này thường huy động vốn từ một số đối tượng nhất định, chẳng hạn như các nhà đầu tư tổ chức, văn phòng gia đình và các cá nhân có tài sản ròng lớn, với mục tiêu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Quỹ ban đầu là một dấu mốc quan trọng đối với một công ty đầu tư mạo hiểm, vì nó tạo danh tiếng cho công ty và tạo tiền đề để gây quỹ trong tương lai)

Tổng giá trị tài sản mà các công ty và quỹ đầu tư này huy động được trị giá 371 triệu USD. Trong năm 2023 và 2024, họ đặt mục tiêu huy động được 200 triệu USD.

Kể từ năm 2021, các quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào thị trường Việt Nam đã thực hiện nhiều thương vụ, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt ở giai đoạn đầu khởi nghiệp. Ngược lại, trong giai đoạn sau, các công ty khởi nghiệp thường nhận vốn từ các quỹ khu vực hoặc quỹ toàn cầu.

Hoạt động đầu tư mạo hiểm.

Mặc dù nắm giữ lượng vốn lớn, những cơn gió ngược trong nền kinh tế đã khiến cho các quỹ đầu tư mạo hiểm trở nên thận trọng hơn khi đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Số thương vụ giảm đi một nửa, giá trị thương vụ giảm 1/3 so với 2021 đã phản ánh sự chậm lại của hoạt động đầu tư.

Mặc dù hoạt động đầu tư vào giai đoạn đầu cho các startup vẫn diễn ra mạnh mẽ, trong năm 2022, tổng giá trị đầu tư của các startup vẫn giảm đáng kể do doanh nghiệp thiếu kinh phí vào giai đoạn cuối.

Sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, số thương vụ và tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam năm 2022 giảm đáng kể do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư ngày càng chọn lọc đầu tư khởi nghiệp theo giai đoạn và thẩm định nhiều hơn.

Xét về giai đoạn, hầu hết vốn chảy vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu, trong khi các khoản đầu tư ở giai đoạn sau lại tương đối ít. Các nhà đầu tư hiện đang xem xét kỹ lưỡng khả năng sinh lời của công ty và tính khả thi để thoát vốn đối với các khoản đầu tư của họ.

Thương mại điện tử vẫn là lĩnh vực thu hút đầu tư hàng đầu vào năm 2022, chiếm 31% tổng số tiền vốn đầu tư, tiếp theo là Fintech (26%), Logistics & Vận tải (15%), công nghệ giáo dục, công nghệ y tế và sức khỏe lần lượt chiếm 6% và 5% tổng vốn đầu tư.

Những thương vụ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thực phẩm (Foodtech), xe điện (EV), công nghệ bất động sản (Proptech), và phần mềm dạng dịch vụ (SaaS) chiếm tổng cộng 8%. Hoạt động đầu tư vào những ngành khác chiếm 9% tổng vốn đầu tư còn lại. Nguồn vốn này chủ yếu đổ vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, blockchain và ngành công nghiệp du lịch.

Nhu cầu vay tín dụng của startup bắt đầu tăng.

Trong hoàn cảnh chịu nhiều áp lực từ hoạt động định giá đầu tư, ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp chọn vay vốn từ các ngân hàng và các công ty tài chính để tránh tình trạng bị định giá xuống khi kêu gọi vốn.

Điển hình, trong thời gian vừa qua, Be Group vay khoảng 60 triệu USD từ ngân hàng Deutsche Bank của Đức, F88 vay 60 triệu USD từ CLSA Capital Partners và 10 triệu USD từ Lendable. Ngoài ra, VinFast cũng vay 135 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Điều chỉnh định giá bắt đầu xảy ra, đặc biệt đối với những khoản đầu tư giai đoạn cuối.

Từ quý 2 năm 2022, các khoản gọi vốn đầu tư giai đoạn cuối (thuộc series B) đã phải chịu nhiều áp lực. Giá trị trung bình những các vòng này giảm do môi trường gọi vốn trở nên khó khăn hơn, sự rút lui của các quỹ chéo, cũng như sự hiệu chỉnh lại định giá và sự thận trọng của nhà đầu tư tăng lên.

Trong khi đó, các thương vụ vòng hạt giống và Series A vẫn tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, những thương vụ giai đoạn đầu cũng có thể chịu áp lực bởi những nhà đầu tư cảnh giác có thể sẽ thích hỗ trợ những startup đã đạt được những thành quả nhất định trong danh mục đầu tư hiện có của họ hơn so với những startup mới, chưa quen thuộc.

Có thể bạn quan tâm